Vientiane - Lao - Bình Yên Hiếu Khách

- Pha That Luang. Ở bất kỳ ngôi chùa nào Lào cũng phải có tháp xá lị và That Luang chính là cái lớn nhất và đẹp nhất ở Lào. Nó được coi là niềm tự hào và là biểu tượng cho quốc gia. That Luang được xây dựng lần đầu tiên năm 1566 trên nền phế tích của một ngôi đền Khmer thế kỷ 13 và theo truyền thuyết là có chứa một sợi tóc (hoặc theo truyền thuyết khác là giẻ sương sườn) của Đức Phật được một nhà truyền giáo mang đến từ Ấn Độ. Sau đó nó bị tàn phá và đổ nát sau cuộc xâm lược của người Thái ở thế kỷ 19. Cho đến những năm 30 của thế kỷ 20, nó được người Pháp cho xây dựng lại theo kiến trúc nguyên bản với độ cao 45m. Bức tượng ngay phía trước là vua Setthathilath, người đã cho xây dựng tháp đầu tiên. Ngày xưa bốn mặt của That Luang được bao bọc bởi các ngôi chùa (Wat hoặc Vat) nhưng hiện tại chỉ còn tồn tại Wat Luang Nua và Wat Luang Tai,... Hàng năm ở đây vào trung tuần tháng 11 đều diễn ra lễ hội lớn mang tính chất quốc gia là lễ hội That Luang. That Luang được coi là rất linh thiêng nên có nhiều người đến đây cầu khấn.
 





- Wat Haw Phra Kaew (đường Setthathilath): nằm ngay cạnh Presidential Palace, được xây dựng lần đầu tiên năm 1565 theo lệnh của vua Setthathirath và bị phá hủy bởi người Thái rồi được khôi phục lại trong những năm 40 thế kỷ 20. Đây từng là một ngôi chùa xây dành riêng cho vua Lào nhưng hiện nay là một bảo tàng nghệ thuật và đồ cổ. Trong chùa trước đây có bức tượng Phật bằng ngọc lục bảo do vua Setthathirath mang về từ Chiang Mai (Thái Lan). Trong cuộc xâm lược của Xiêm năm 1778, nó đã bị đánh cắp và hiện nay đang được giữ trong chùa cùng tên tại Grand Palace (Băng Cốc).



- Wat Si Muang (giữa đường Setthathilath và Samsenthai): là nơi thể hiện rõ nhất sự kết hợp của đức tin Phật giáo và tín ngưỡng nguyên thủy. Có nhiều truyền thuyết liên quan đến ngôi chùa này nhưng có một có điều chắc chắn Si Muang là tên của một người đàn bà mang thai cách đây khoảng 300 năm. Theo tín ngưỡng lúc đó người ta cho rằng cần phải hiến tế người để cầu xin sự che chở của các đấng thần linh. Si Muang đã nhảy xuống một cái hố đào dưới đất rồi bị ném đá đến chết và trên cái hố đó người ta cho xây dựng lên ngôi chùa này. Ngày nay Si Muang vẫn tiếp tục được tôn thờ và ngôi chùa được đặt tên bà để tưởng nhớ. Ở trong chùa còn có một cây cột bằng gạch cũ ngay gần tượng Si Muang được cho là xây lên từ chiếc hố trên. Nếu đến Viên Chăn bạn cũng có thể đến đây để làm lễ buộc chỉ cổ tay cầu may theo phong tục truyền thống của Lào.



DNStyle - 3/2013



Nhận xét

Bài đăng phổ biến