Chữ ngộ đạo & đời
Khi bàn về thư pháp, có ý kiến cho rằng: “Cổ nhân khi viết chữ, xin chữ thường tuân theo những đạo lý nghiêm ngặt. Chữ tâm chẳng hạn, người mới “Tứ thập bất hoặc” chưa đủ cân lượng để phóng bút ban cho thiên hạ, dù bút pháp có tài hoa đến mấy. Phải năm mươi, sáu mươi, đã tri thiên mệnh hay thuận nhĩ rồi mới có cái thâm trầm ổn định để nói đến cái tâm...”. Điều này quả không sai, nếu ai cũng nhân cách trưởng thành theo tuổi. Nhưng, thời nào cũng vậy, rất nhiều trường hợp ngược lại. Ví dụ Trần Đăng Khoa có hai câu thơ rất tuyệt:
Ngoài thềm rơi chiếc lá đa
Tiếng rơi rất khẽ như là rơi nghiêng
Giữa cuộc sống phiền tạp, phải có một tâm hồn tĩnh dật lắm mới có được cái nghe nhạy cảm dường kia: Nghe tiếng rơi rất khẽ của lá, mà lại rơi nghiêng! Lúc đó Trần Đăng Khoa chưa đầy mười tuổi. Cho đến bây giờ, một số người dù đã cổ lai hy, vẫn chưa sáng ra được điều gì ngoài có được hành trang là tuổi tác. Vì thế, muốn đạt được điều gì đó đâu cần bàn lại với thời gian, lỡ thân yểu mệnh cứ phải ngậm ngùi vì cuộc đời ngắn ngủi của mình chỉ là vô ích hay sao? Có câu “Sa di thuyết pháp Sa môn thính, bất tại niên cao tại tánh linh” (Sa di thuyết pháp cho Sa môn nghe, không do tuổi cao mà do đã đạt ngộ) là vậy. Cho nên, vấn đề là “ngộ" sớm hay “ngộ” muộn, chứ đâu phải tuổi cao hay tuổi thấp. Làm cho chúng sanh nhận thức được chữ tâm vẫn là “Từ cái nhìn của họ chứ đâu phải sự vật được nhìn”. Còn nếu cứ khăng khăng chấp vào hình tướng, có khi “Kinh Phật dù hay sư ngọng đọc cũng sai” thì thật phiền toái.
Hơn nữa, có nhiều người lại nghĩ chỉ có bậc tu hành, người hiểu biết uyên thâm, uyên bác mới ngộ ra được nhiều lẽ. Điều đó không hẳn. Người lái đò Vệ Sử, trong “Câu chuyện của dòng sông” đã lặng lẽ miệt mài lắng nghe tiếng nói của dòng sông mà đã tìm về nhất thể.
NGỘ, ĐẠO VÀ ĐỜI.
Tại đỉnh cao của sự ngộ, ranh giới phân chia năng sở, chủ khách đều tiêu dung lặng lẽ. Tất cả bình đẳng nơi cái gọi là tâm. Giác ngộ là những kinh nghiệm thực tế chính tự thân, giác ngộ không phải là lý thuyết. Đại sư Zengetsu người Trung Quốc đời Đường, đã viết lại những điều mà ông cho là đã “ngộ” được trên bước đường tu đạo để khuyên dạy đệ tử mình:
“Sống trong cõi trần mà không để vướng bụi trần là đường đi của một người học Thiền chân thật.
Khi thấy hành vi tốt của kẻ khác, con hãy tự khuyến khích mình noi theo. Khi nghe việc lầm lỗi của kẻ khác, con hãy tự khuyên mình chớ đua tranh.
Dù cho một mình trong phòng tối, con hãy làm như con đang đối diện với một người khách quý.
Hãy biểu lộ những tình cảm của con, nhưng đừng để đi quá bổn tánh chân thật của mình.
Một người có thể có vẻ như là một người ngu mà không phải là ngu. Có thể người đó giữ gìn sự khôn ngoan của mình một cách cẩn thận.
Những đức hạnh là thành quả của sự tự giữ giới luật và đừng để chúng ta rơi khỏi bầu trời của chúng như mưa hay tuyết.
Khiêm tốn là nền tảng của mọi đức hạnh. Hãy để những người chung quanh con khám phá ra con trước khi tự con cho họ biết.
Một tấm lòng cao quý không bao giờ tự buộc mình tiến tới trước. Những lời của nó quý như châu ngọc, ít khi nó bộc lộ và có một giá trị lớn.
Đối với một người học Thiền chân thật, mỗi ngày là một ngày may mắn. Thời gian qua đi những người học không bao giờ lùi lại phía sau. Vinh cũng như nhục không bao giờ làm nó động tâm.
Hãy tự trách con, đừng bao giờ trách kẻ khác. Đừng bao giờ tranh cãi đúng sai. Một vài điều, mặc dù đúng nhưng bị coi là sai trong nhiều thế hệ. Bởi vì giá trị chân chính có thể được nhận ra sau nhiều thế kỷ, không cần thèm khát sự đánh giá nhất thời.
Hãy sống với nguyên nhân và hãy bỏ lại những thành quả cho đại luật vũ trụ vận hành. Hãy vượt qua mỗi ngày trong sự chiêm ngưỡng thanh bình”.
Giá trị những lời khuyên trên của Đại sư Zengetsu không những chỉ đối với người tu đạo, đối với đời sống thế gian còn quý báu hơn nhiều. Nó thuộc về tâm thức. Chúng ta có thể so sánh tâm thức như kiềng ba chân, vững vàng không động lực nào làm lay chuyển được. Bạn đối cảnh nhưng không chướng cảnh. Thành công cũng như thất bại, không làm bạn nản chí hoặc vui sướng. Những bình an nội tại đó không phải là sự vô cảm lạnh nhạt. Nó thường mang đến hỷ lạc nội tâm và mở cửa lòng từ. Chiều sâu, sức mạnh, sự thanh thản, lòng tốt của bạn sẽ giúp nhiều người tỉnh thức.
Mặt khác, trong một bài viết của Giáo sư Nguyễn Quang Dương có đề cập đến “Không gian ba chiều của các ý tưởng” được trích từ sách báo, chúng ta đọc thấy:
a/ Ý tưởng cao siêu: Có tầm cao và siêu thoát, vượt trên cái tầm thường và bình thường, vượt xa cái thấp kém và thiển cận, vượt qua sự non nớt và ấu trĩ trong nhận thức...
Ví dụ một ý tưởng: Người giàu không phải người tiêu thụ nhiều sản phẩm, mà chính là người làm ra nhiều sản phẩm.
b/ Ý tưởng thâm thúy: Có chiều sâu, ẩn chứa nhiều ý tưởng khác, vượt khỏi sự nông cạn của ý thức và cắm rễ vào các tầng hầm của tâm thức, có nhiều nghĩa bóng bên cạnh nghĩa đen...
Ví dụ một ý tưởng: Cuộc cách mạng về thông tin không chỉ là sự đổi mới về công nghệ thông tin, mà chủ yếu và trước hết, đó là cuộc cách mạng về các quan niệm, các ý tưởng.
c/ Ý tưởng sáng tạo: Có hướng đi độc đáo, mới lạ mà hiệu quả cao hơn. Từ đó gợi ra những suy nghĩ và cách làm vượt khỏi sự tái tạo và rập khuôn: nảy sinh tâm lý khai phá chứ không chỉ khám phá.
Ví dụ một ý tưởng: Tâm lý sáng tạo của các nhà sáng tạo được tổng hợp thành “5 không 1”: không nghe một phía, không nghĩ một chiều, không nhìn một hướng, không làm một cách, không nói một kiểu.
Giáo sư viết thêm: Ý tưởng sáng tạo mang tính năng khai phá nhiều hơn khám phá. Chính vì vậy, nó giúp ta làm nên nhiều cái mới (theo diện rộng) hơn cả ý tưởng cao siêu và ý tưởng thâm thúy. Nó không chỉ khơi gợi, còn tổng hợp nhiều cách nghĩ, cách nhìn khi tìm tòi một hướng đi độc đáo mà hiệu quả.
Mới đọc qua đoạn viết, ta thấy ngay, đó là những triết lý sống đầy tính đời. Nhưng, nếu nghiệm lại nó hoàn toàn không xa lạ với tính đạo. Trong cái phức hợp của vô minh, chấp ngã, nghiệp chướng của chúng sanh là thiên hình vạn trạng. Xã hội càng văn minh (đứng về mặt vật chất) thì tham, sân, si càng phát khởi. Người ta mải đắm chìm trong phù du giả tạo, cho nên cuộc sống không giải quyết được gì, mà chỉ làm chậm đi sự đối mặt với thực tại của vạn pháp. Vì thế, sự phổ độ sẽ khó khăn hơn nhiều - chân lý thì luôn soi sáng mà con người vẫn cứ vô minh. Rất cần những ý tưởng sáng tạo của người hành đạo, vì ngoài “Vô lượng pháp môn tu” để đối trị “Vô biên phiền não” cần vạch một hướng đi mới mẻ để khắc phục thực trạng “Hoa thì mau héo, cỏ mọc xanh” trong thời mạt pháp như hiện nay.
Thật ra, bên cạnh tài năng của các triết gia, những nhà tư tưởng, những nghệ sĩ, những nhân vật quan trọng, và hấp dẫn về nhiều phương diện không phải ai cũng có dấu hiệu về con người hoàn thiện. Một nhà khoa học vĩ đại cũng có thể là một kẻ cắp, một nhà bác học cũng có thể luôn bị đau khổ giày vò, một thư pháp gia cũng có thể đầy ngạo mạn... Mọi sự phối hợp, tốt cũng như xấu đều hiện rõ nơi mỗi con người chúng ta.
Cho nên, công cuộc xây dựng ý tưởng, tìm kiếm tâm linh là việc chuyển hóa tâm thức hoàn toàn. Luôn mới mẻ và sống động, nó nhắm vào những vấn đề thiết thân của cuộc sống. Cũng như, những lời dạy của Thánh nhân không nên xem như giáo điều, chúng ta phải tư duy về nó và không phải chấp nhận do lòng kính trọng. Và chúng ta hiểu nó như là kim chỉ nam đưa đến tỉnh thức về bản thể của tâm, và về thế giới hiện tượng. Đối với đức Phật cũng vậy, Ngài được tôn sùng không phải như một Thượng đế, một vị Thánh, mà như một nhà hiền triết, Ngài là hóa thân của sự tỉnh thức. Tiếng Phạn (Sanskrit) Buddha có nghĩa là người đã thức tỉnh, đã giác ngộ là như vậy. Biểu lộ lòng tôn kính người trên là một cử chỉ khiêm tốn nhằm đối trị tính kiêu ngạo luôn là trở ngại mọi biến chuyển tâm hồn. Tục ngữ có câu: “Nước không thể tích tụ trên đỉnh núi và giá trị thật sự của một con người cũng không thể tích tụ trên đỉnh của sự tự cao” là như vậy. Ý muốn hành thiện tìm đến chân như không phải chỉ có nơi ánh sáng của đạo pháp. Có những nơi rất đời thường, vô danh vô tướng, như tất cả những gì thực sự vĩ đại trên cõi đời này, bạn cũng có thể ngộ từ những khoảnh khắc ngắn nhất trong những sự việc tưởng là bình dị nhất. Thực tế cuộc sống đã cho ta rất nhiều sự chứng minh về vấn đề này.
Tất cả những học thuyết không phải để thỏa mãn thị hiếu, mà là để sống. Đạo Phật là con đường tịnh hóa đã đưa đức Phật đến giác ngộ. Đó là một phương pháp giúp ta đạt tới sự giải thoát nhờ công phu Thiền định. Thiền chính là nghệ thuật nhìn vào bản tính hiện sinh của mình, là tìm đường đi cho chính mình. Tu thiền là một chứng nghiệm tìm đường, nó là ánh sáng soi rọi để thấy rõ đau khổ và giải thoát đau khổ, không phải là cuộc đấu tranh giữa nhân loại với nhau, mà là việc hoàn thiện về đạo đức bằng cách khước từ mọi cám dỗ, ham muốn, để đạt tới cõi sáng suốt của giác ngộ.
Tuy nhiên, những ý tưởng nêu trên hoàn toàn không hướng con người đi tu, chỉ mong mỏi họ trở thành tín đồ của cái thiện để khai mở tâm thức: Hạnh phúc là đấu tranh cũng như tu tâm là cõi phúc, đều là những giải pháp có giá trị như nhau. Ai có thể phủ nhận được điều đó khi con người đã ngộ được công lý tha thứ bao giờ cũng mạnh hơn công lý trừng phạt. Hơn nửa tỷ Phật tử trên thế giới đã dựa vào phép mầu của đạo Phật để làm cứu cánh cho mình.
Nhưng cứu cánh không phải để thoát ra khỏi thế giới hiện hữu mà là để không lệ thuộc vào nó. Thế gian tự nó không xấu, chỉ có cách nhìn của chúng ta là sai lệch mà thôi “Không phải những cái bên ngoài khiến anh lệ thuộc vào chúng, mà chính là anh tự lệ thuộc vào những cái bên ngoài”. Hiện nay, xã hội càng phát triển thì con người càng chạy theo danh lợi, vật chất mà xao lãng việc phát triển tâm linh. Từ đó phát sinh ra tánh duy ngã. Bạn luôn nghĩ đến cái lợi cho mình mà không quan tâm đến quyền lợi của kẻ khác. Đó là nguyên nhân của sự hẹp hòi, tham lam mở cửa cho chiến tranh, cho sự đấu tranh vì quyền lực vị kỷ. Cho nên, chúng ta phải thoát ra khỏi bản ngã, luôn đặt sự phát triển tâm linh lên hàng đầu, nhằm trở nên sáng suốt minh triết và biết yêu thương đồng loại. Chứ không mãi u mê trong dục lạc, không đem lại điều gì mà ngày càng xa rời với chính đạo.
Giác ngộ là giải trừ vô minh, là con đường tối thiết của người tu Phật. Như vậy, chúng ta thấy rằng giác ngộ không phải là hành động của lý trí. Kiến thức, lý trí chỉ là người khách xa lạ cách biệt với cuộc đời hiện thực. Đó là lý do đức Phật đặc biệt nhấn mạnh vào kinh nghiệm cá nhân, Thiền định là thực hành, là tu tập, kiểm chứng chính xác chân lý bằng vào kinh nghiệm cá nhân. Qua thiền định ý chí sẽ vượt hẳn điều kiện tự thân để gợi dậy “ý thức” giác ngộ.
Cho nên, giác ngộ chính là con đường tốt đẹp đưa tinh thần được hoàn toàn tự do tự tại. Sự giác ngộ phá tan đi bóng tối vô minh vốn là ngọn nguồn của tử sinh bất tận. Nó có công năng gắn kết giữa đạo và đời. Bởi đạo không có đời không đất sống, đời không có đạo sống không ra người. Vậy chúng ta hãy thiền! Thiền là lấy tâm truyền tâm để đạt được “Tâm như hư không vô sở chướng ngại”.
Nhận xét
Đăng nhận xét